Cách chưng Yến Đường phèn, Táo đỏ, Hạt sen,.... ngon, ngọt

Cách chưng Yến Đường phèn, Táo đỏ, Hạt sen,…. ngon, ngọt

5/5 - (9 bình chọn)

Cách chưng yến đường phèn, táo đỏ, hạt sen, đông trùng hạ thảo,… luôn được nhiều người quan tâm. Bởi đây là những món ăn bổ dưỡng từ yến sào mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Việc kết hợp với các nguyên liệu hoặc vị thuốc không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn hỗ trợ khắc phục một số bệnh lý thường gặp.

Hướng dẫn 10 cách chưng yến sào thơm ngon, bổ dưỡng

Yến sào (tổ yến) được biết đến là thượng phẩm vì chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, bao gồm các thành phần mà cơ thể không tự tổng hợp. Do vậy nên tổ yến mang lại lợi ích đối với sức khỏe cho nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Tổ yến được xếp vào hàng Bát trân nên giá thành khá cao. Tùy thuộc vào từng loại mà giá có thể khác nhau.

Yến chưng hạt sen
Bên cạnh sử dụng tổ yến đơn lẻ để chưng thì nhiều người còn kết hợp với các nguyên liệu, vị thuốc khác

Không chỉ giúp bồi bổ cơ thể, thực phẩm – dược phẩm này còn giúp tăng cường sinh lý nam – nữ, cải thiện sức khỏe xương khớp, tăng chức năng hô hấp, tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh về tim mạch, huyết áp, tốt cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người cao tuổi,…

Bên cạnh sử dụng tổ yến đơn lẻ để chưng thì nhiều người còn kết hợp với các nguyên liệu, vị thuốc khác để tăng tác dụng cải thiện bệnh lý, bồi bổ sức khỏe cũng như giúp món ăn tròn vị, thơm ngon và đa dạng thực đơn hơn. Thông thường, yến sào sẽ được kết hợp với những nguyên liệu như táo đỏ, hạt sen, hạt chia, đông trùng hạ thảo, lá dứa, saffron,…

Dưới đây là một số cách chưng yến được nhiều người ưa chuộng:

1. Cách chưng yến với táo đỏ

Táo đỏ hay đại táo là một trong những vị thuốc quý của Trung hoa. Nhờ vào dược tính và công dụng đa dạng nên vị thuốc này có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Theo tài liệu y học cổ truyền, táo đỏ có tính bình ấm, vị ngọt, quy vào Can, Thận, Vị và Tỳ. Tác dụng an trung, bồi bổ cơ thể, ích khí, cường lực, dưỡng huyết, nhuận tâm phế,…  Dùng để chữa suy nhược cơ thể, tỳ vị hư nhiệt, kiết lỵ,…

Bên cạnh đó, các nghiên cứu dược lý hiện đại cũng nhận thấy, vị thuốc táo đỏ chứa các thành phần như protein, acid hữu cơ, chất xơ, chất béo, protein cũng nhiều khoáng chất, vitamin thiết yếu. Táo đỏ mang tác dụng tốt đối với hệ tim mạch, tiêu hóa, giúp giữ dáng, an thần, tăng cường sức đề kháng, dưỡng da, phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm, cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường trí nhớ,…

Cách chưng yến với táo đỏ
Yến sào chưng với táo đỏ giúp tăng tác dụng bồi bổ sức khỏe, giảm căng thẳng, mệt mỏi, giữ dáng, dưỡng da

Việc chưng yến với táo đỏ giúp tăng tác dụng bồi bổ sức khỏe, giảm căng thẳng, mệt mỏi, giữ dáng, dưỡng da, phòng ngừa bệnh Alzheimer, giúp xương khớp chắc khỏe,… Bên cạnh đó, món ăn này còn làm tăng hương vị thơm ngon, ngọt thanh từ táo đỏ. Từ đó giúp kích thích vị giác, ăn ngon miệng và hấp thu các dưỡng chất tốt hơn.

Cách chưng yến sào với táo đỏ:

Chuẩn bị:

  • Tổ yến tinh chế 10g
  • Táo đỏ 50g
  • Đường phèn lượng vừa đủ (tán mịn)
  • Nước lọc

Hướng dẫn thực hiện:

  • Tổ yến mang đi ngâm với nước khoảng 30 phút đến khi mềm và nở đều thì tách sợi, dùng ray vớt ra và để ráo.
  • Táo đỏ rửa sạch rồi ngâm trong nước khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau đó đun sôi 500ml nước và cho táo đỏ vào đun thêm 10 phút đến khi táo mềm thì vớt ra. Giữ lại phần nước luộc và để nguội hoàn toàn
  • Cho yến sào vào thố/ chén sứ loại to vì yến sau khi chưng sẽ nở ra gấp nhiều lần. Sau đỏ đổ phần nước luộc táo đỏ và táo đỏ vào. Đậy kín nắp và mang đi chưng cách thủy
  • Sau 25 phút thì mở nắp ra cho đường phèn vào, khuấy đều và chưng thêm 5 phút nữa
  • Có thể cho thêm vài lát gừng tươi vào để làm giảm mùi tanh của yến.

2. Tổ yến chưng đông trùng hạ thảo

Tổ yến chưng với đông trùng hạ thảo không chỉ là món ăn dinh dưỡng mà còn là bài thuốc hỗ trợ một số bệnh lý thường gặp. Đông trùng hạ thảo được biết đến như vị thuốc quý vì chứa dược tính, công dụng đa dạng. Vị thuốc này có đặc điểm sinh trưởng với nửa thân thảo và nửa thân là ấu trùng.

Các nghiên cứu nhận thấy, vị thuốc này mang lại hiệu quả trong việc bồi bổ cơ thể, nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, tốt cho hệ hô hấp, tiêu hóa, cải thiện chức năng thận, chống viêm, chống oxy hóa, tác dụng trong việc phục hồi và cải thiện một số triệu chứng sau Covid-19.

Tổ yến chưng đông trùng hạ thảo
Tổ yến chưng với đông trùng hạ thảo không chỉ là món ăn dinh dưỡng mà còn là bài thuốc hỗ trợ một số bệnh lý thường gặp

Với tác dụng của yến sào khi kết hợp với đồng trùng hạ thảo mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nhất là người cao tuổi như giúp tăng cường miễn dịch, ổn định huyết áp, làm giảm cholesterol trong máu, giảm căng thẳng, mệt mỏi, phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, cải thiện chức năng gan, thận đáng kể.

Hướng dẫn chưng yến sào với đông trùng hạ thảo:

Chuẩn bị:

  • Yến sào tinh chế 5g
  • Đông trùng hạ thảo 1 – 2 con
  • Đường phèn lượng vừa đủ

Hướng dẫn thực hiện:

  • Yến sào mang đi ngâm đến khi mềm và nở đều thì tách sợi và vớt ra để ráo nước
  • Đông trùng hạ thảo sau khi rửa sạch thì để ráo
  • Kế đến cho lượng đường phèn vừa đủ vào nồi cùng với 200ml nước và đun sôi. Sau đó cho đông trùng hạ thảo vào đun đến khi chín thì tắt bếp
  • Yến sào mang đi chưng cách thủy trong 20 phút. Sau đó cho nước đường phèn và đông trùng vào, khuấy đều và chưng tiếp 5 phút nữa thì bắt bếp.

3. Yến sào chưng hạt sen và lá dứa

Hạt sen và lá dứa đều là những vị thuốc tốt cho sức khỏe, đồng thời hỗ trợ điều trị một số bệnh lý thường gặp. Việc kết hợp với yến sào sẽ giúp tăng tác dụng bồi bổ sức khỏe, cải thiện miễn dịch và mang đến hương vị thơm dịu của lá dứa và ngọt nhẹ của hạt sen, yến sào.

Theo Đông y, hạt sen có tác dụng chữa các chứng bệnh như mất ngủ, thường xuyên đau đầu, trị tiêu chảy, bổ máu huyết, làm đẹp da, chống lão hóa, duy trì vóc dáng, cải thiện vòng 1 sau sinh và giúp tăng cường trí nhớ ở trẻ nhỏ, người cao tuổi. Các nghiên cứu khoa học cũng nhận thấy clo, carbohydrate, protein,… trong hạt sen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Yến sào chưng hạt sen và lá dứa
Yến sào chưng hạt sen và lá dứa không chỉ mang lại hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng bồi bổ, chữa bệnh

Trong khi đó, lá dứa hay lá nếp thường được dùng trong nhiều món ăn để tăng hương vị thơm ngon. Bởi nguyên liệu này có mùi thơm dịu, giúp kích thích vị giác, ăn ngon hơn. Các nghiên cứu khoa học cũng nhận thấy, một số thành phần trong lá dứa còn mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp, an thần, giảm căng thẳng, lo âu, hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp.

Cách chưng yến sào với hạt sen và lá dứa:

Chuẩn bị:

  • Tổ yến làm sạch lông 5g
  • Lá dứa 5 lá
  • Hạt sen chọn loại đã lấy tâm sen khoảng 30g
  • Đường phèn

Hướng dẫn thực hiện:

  • Yến sào sau khi ngâm thì tách sợi và để ráo
  • Hạt sen ngâm với nước ấm trong 45 phút rồi vớt ra cho vào nồi với lượng nước vừa đủ. Nấu đến khi chín mềm thì cho lá dứa đã rửa sạch vào đun thêm vài phút nữa thì tắt bếp và vớt lá dứa ra
  • Tổ yến mang đi chưng cách thủy trong vòng 20 phút. Sau đó đổ hỗn hợp hạt sen lá dứa cùng với đường phèn giã nát vào, khuấy đều và chưng thêm 5 phút nữa là được.

4. Tổ yến chưng đường phèn, táo đỏ và hạt chia

Để đa dạng các món ăn từ tổ yến, bạn có thể kết hợp với táo đỏ, đường phèn và hạt chia. Món ăn này có vị ngọt của đường phèn, táo đỏ cùng với mùi thơm của hạt chia giúp kích thích vị giác, ăn ngon hơn và cơ thể hấp thu các dưỡng chất cũng hiệu quả hơn.

Tổ yến chưng táo đỏ và hạt chia
Để đa dạng các món ăn từ tổ yến, bạn có thể kết hợp với táo đỏ, đường phèn và hạt chia

Tác dụng của món tổ yến chưng đường phèn, táo đỏ và hạt chia:

  • Tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp phục hồi thể trạng ở người vừa ốm dậy
  • Duy trì vóc dáng cân đối, ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì
  • Chống oxy hóa, giúp đẹp da, tóc và móng chắc khỏe
  • Tăng cường chức năng tiêu hóa
  • Ngăn ngừa các vấn đề về tim
  • Tốt cho phụ nữ mang thai, người bị đái tháo thường, trẻ nhỏ
  • Tăng cường sức khỏe xương khớp, phòng ngừa thoái hóa, loãng xương ở người trẻ tuổi

Để chưng yến cùng với đường phèn, táo đỏ và hạt chia, bạn cần thực hiện như sau:

Chuẩn bị:

  • Yến tinh chế hoặc yến thô (tổ yến còn lông) 5g
  • Hạt chia: 1 muỗng nhỏ
  • Táo đỏ khô: 5 – 8 quả
  • Đường phèn lượng vừa đủ

Hướng dẫn thực hiện:

  • Đối với yến tinh chế, bạn chỉ cần ngâm với nước đến khi nở đều thì tách sợi và vớt ra để ráo. Còn yến thô, đem ngâm với nước đến khi nở đều thì dùng nhíp chuyên dùng loại bỏ lông yến. Sau đó rửa lại nhiều lần với nước để loại bỏ tạp chất, bụi bẩn.
  • Đun sôi 200ml nước rồi cho đường phèn vào đun đến khi tan hoàn toàn thì cho táo đỏ đã rửa sạch vào. Đun đến khi táo đỏ mềm thì tắt bếp
  • Yến sào mang đi chưng cách thủy trong 20 phút. Sau đó cho nước đường phèn táo đỏ vào, thêm 1 ít hạt chia và khuấy đều
  • Chưng thêm 5 phút đến khi hạt chia nở đều thì tắt bếp.

5. Cách chưng yến với hạt chia và hạt sen

Việc kết hợp yến sào, hạt chia và hạt sen tạo nên món ăn thơm ngon, mang lại giá trị dinh dưỡng cao và phù hợp với nhiều đối tượng. Bên cạnh thành phần dưỡng chất có trong yến sào và hạt sen đã đề cập ở trên thì hạt chia cũng chứa các thành phần quan trọng.

Các nghiên cứu khoa học nhận thấy, hạt chia có chứa hàm lượng Omega-3-6-9 dồi dào, chất xơ, protein, các khoáng chất và chất chống oxy hóa. Nhờ đó, hạt chia có tác dụng trong việc ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, tăng cường sức khỏe tổng thể, hỗ trợ giảm cân, chống lại các gốc tự do và hỗ trợ điều trị tiểu đường type 2.

Cách chưng yến với hạt chia và hạt sen
Việc kết hợp yến sào, hạt chia và hạt sen tạo nên món ăn thơm ngon, mang lại giá trị dinh dưỡng cao

Món yến chưng hạt sen và hạt chia giúp thanh nhiệt, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, giữ dáng, đẹp da cho phái nữ, cải thiện sức khỏe ở người cao tuổi và tăng cường trí nhớ cho trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, món ăn này còn giúp kích thích vị giác, từ đó cải thiện việc ăn uống và hấp thu các dưỡng chất tốt hơn.

Hướng dẫn cách chưng yến với hạt sen và hạt chia:

Chuẩn bị:

  • Tổ yến tinh chế 5g
  • Hạt chia: 1 muỗng nhỏ
  • Hạt sen đã lấy tâm sen: 30g
  • Đường phèn lượng vừa đủ

Hướng dẫn thực hiện:

  • Yến sào mang đi ngâm với nước ở nhiệt độ thường từ 10 – 30 phút. Tách sợi yến cho vào ray và rửa lại với nước. Sau đó để ráo
  • Hạt sen rửa sạch rồi ngâm với nước ấm khoảng 45 phút
  • Đun sôi 200ml nước rồi cho đường phèn vào đến khi tan hoàn toàn thì cho tiếp hạt sen vào nấu đến khi mềm
  • Yến sào mang đi chưng cách thủy khoảng 20 phút. Sau đó cho nước đường phèn hạt sen vào cùng với hạt chia.
  • Khuấy đều và chưng thêm 5 phút nữa là được.
Xem thêm: Cách Chưng Yến Với Hạt Chia Bồi Bổ Sức Khỏe Cho Cơ Thể

6. Hướng dẫn chưng yến với mật ong và Saffron

Yến chưng mật ong và Saffron là món ăn dành cho chị em muốn cải thiện làn da, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Bên cạnh đó, món ăn này còn mang lại nhiều lợi ích khác không chỉ nhờ vào tác dụng của yến sào mà còn công dụng của Saffron và mật ong.

Các nghiên cứu dược lý hiện đại nhận thấy các thành phần hoạt chất trong Saffron tốt cho sức khỏe tim mạch, cải thiện chức năng tiêu hóa, chống oxy hóa, làm đẹp da, giúp da sáng mịn, hồng hào, an thần, cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon, cân bằng nội tiết tố, giúp mắt sáng, ngăn ngừa các khối u ác tính phát triển,…

Chưng yến với mật ong và Saffron
Yến chưng mật ong và Saffron là món ăn dành cho chị em muốn cải thiện làn da, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp

Trong khi đó, mật ong không chỉ là nguyên liệu dùng trong nhiều món ăn để tăng hương vị mà còn là vị thuốc quý được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Theo đó, mật ong giúp cải thiện các bệnh lý về đường hô hấp, cải thiện thị lực, tác dụng sát khuẩn, chống viêm, hỗ trợ phục hồi và tái tạo các tế bào tổn thương nhanh chóng, cải thiện chất lượng giấc ngủ,…

Hướng dẫn chưng tổ yến với Saffron và mật ong thơm ngon, bổ dưỡng:

Chuẩn bị:

  • Tổ yến tinh chế 5g/ 1 lần ăn/ người
  • Saffron: 8 – 10 sợi
  • Mật ong nguyên chất 2 muỗng

Cách chưng:

  • Sơ chế tổ yến tinh chế khá đơn giản, chỉ cần mang ngâm với nước từ 10 – 30 phút đến khi yến nở đều thì tách sợi và vớt ra để ráo
  • Mang phần yến sào đã sơ chế chưng cách thủy trong 20 phút
  • Trong thời gian đó, bạn cho mật ong vào 100ml nước ấm, khuấy đều
  • Sau đó đổ phần nước này vào yến và cho thêm Saffron vào
  • Chưng thêm 5 phút nữa thì tắt bếp

7. Yến sào chưng với sữa tươi

Một số tài liệu nhận thấy, món yến sào chưng với sữa tươi tốt cho người bị xuất huyết dạ dày. Bởi món ăn này cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, kích thích vị giác, giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn, từ đó hấp thu các dưỡng chất tốt hơn.

Yến sào chưng với sữa tươi
Một số tài liệu nhận thấy, món yến sào chưng với sữa tươi tốt cho người bị xuất huyết dạ dày

Ngoài ra, món ăn này còn mang lại một số công dụng như:

  • Cải thiện sức khỏe xương khớp, răng
  • Ngăn ngừa các vấn đề về tim
  • Hỗ trợ giảm cân, duy trì vóc dáng
  • Giúp làn da sáng mịn, hồng hào, làm chậm quá trình lão hóa
  • Bồi bổ sức khỏe, giúp phục hồi thể trạng ở người bệnh nhanh chóng

Hướng dẫn chưng yến sào với sữa tươi đơn giản, thơm ngon:

Chuẩn bị:

  • Tổ yến tinh chế 5g
  • Sữa tươi không đường 100 – 200ml
  • Đường phèn lượng vừa đủ

Cách chưng yến với sữa tươi:

  • Yến sào mang đi ngâm với nước đến khi nở đều thì tách sợi và để ráo
  • Sau đó mang yến chưng cách thủy khoảng 20 phút
  • Trong thời gian này, đem sữa tươi đun với đường phèn đến khi tan hoàn toàn
  • Cho phần sữa này vào yến, khuấy đều và chưng thêm 5 phút nữa thì tắt bếp

8. Tổ yến chưng với lê Hàn

Tổ yến chưng với lê Hàn là món ăn có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Đây không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn là bài thuốc chữa một số bệnh lý về đường hô hấp như ho khan, ho lâu ngày, ho có đờm, viêm họng,… Bạn cũng có thể chế biến món ăn này cho gia đình khi thời tiết thay đổi để phòng ngừa các bệnh lý trên.

Theo tài liệu y học cổ truyền, quả lê có tính mát, vị ngọt thanh, công dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ cải thiện các bệnh lý đường hô hấp. Bên cạnh đó, một số thành phần hoạt chất, vitamin có trong loại quả này còn giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra tốt hơn, đồng thời nâng cao hệ miễn dịch, phòng ngừa các bệnh thường gặp.

Tổ yến chưng với quả lê
Tổ yến chưng với quả lê không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn là bài thuốc chữa một số bệnh lý về đường hô hấp

Để tăng thêm hương vị của món ăn cũng như công dụng chữa bệnh, nhiều người còn kết hợp với táo đỏ và mật ong. Theo đó, món yến sào chưng với lê, táo đỏ và mật ong có vị ngọt thanh tự nhiên, cùng với mùi thơm từ các nguyên liệu tạo ra món ăn bổ dưỡng, kích thích vị giác và phù hợp với nhiều đối tượng.

Cách chưng yến sào với lê, táo đỏ và mật ong được thực hiện như sau:

Chuẩn bị:

  • Yến sào tinh chế 5g/ lần/ người ăn
  • Quả lê Hàn: 1/4
  • Táo đỏ: 3 -5 quả
  • Mật ong nguyên chất

Hướng dẫn thực hiện:

  • Tổ yến sau khi ngâm mềm, tách sợi thì để ráo
  • Lê rửa sạch thì gọt vỏ và thái hạt lưu
  • Táo đỏ rửa sạch và cắt lát
  • Cho yến sào cùng với táo đỏ và lê vào thố/ chén sứ lớn cùng với 200ml nước
  • Đậy kín nắp và mang đi chưng cách thủy từ 20 – 25 phút
  • Sau khi tắt bếp thì cho mật ong vào và thưởng thức

9. Cách chưng tổ yến với đu đủ

Tổ yến chưng với đu đủ là một món ăn lạ miệng nhưng không khó ăn. Với vị ngọt tự nhiên của đu đủ chín cùng các thành phần dưỡng chất khi kết hợp với yến sào sẽ là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Món ăn này có tác dụng giải nhiệt, giúp thanh mát, bổ dưỡng phù hợp vào những ngày nắng nóng, oi bức.

Cách chưng tổ yến với đu đủ
Tổ yến chưng với đu đủ là một món ăn lạ miệng nhưng không khó ăn

Bên cạnh đó, yến sào chưng đu đủ còn giúp ngăn ngừa lão hóa, trẻ hóa làn da ở phụ nữ, đồng thời tăng cường sức khỏe sinh lý và cân bằng nội tiết tố. Ngoài ra, món ăn này còn giúp bồi bổ sức khỏe, cải thiện thị lực, sức khỏe tim mạch, chống oxy hóa và phòng ngừa ung thư.

Để có món yến chưng đu đủ thơm ngon, bổ dưỡng bạn cần thực hiện như sau:

Chuẩn bị:

  • Tổ yến đã làm sạch lông 5g
  • Đu đủ chín: 1 trái 400g
  • Sữa tươi không đường: 100ml
  • Đường phèn lượng vừa đủ

Hướng dẫn thực hiện:

  • Tổ yến đem ngâm với nước từ 10 – 30 phút đến khi mềm đều thì tách sợi và để ráo
  • Đu đủ để nguyên vỏ, ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì bổ đôi và bỏ phần hạt bên trong
  • Cho đường phèn vào nồi cùng với 150ml và đun đến khi đường tan hoàn toàn thì tắt bếp.
  • Sau đó cho tổ yến, nước đường phèn, sữa tươi vào nửa trái đu đủ. Dùng nửa trái đu đủ còn lại đậy lên
  • Đem chưng cách thủy trong vòng 1 giờ đến khi chín đều thì tắt bếp

10. Yến chưng tứ bảo

Yến chưng tứ bảo là món ăn từ yến sào kết hợp các vị thuốc quý như hạt sen, long nhãn, bạch quả, táo đỏ. Đây là món ăn bổ dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em, người vừa ốm dậy hoặc sau phẫu thuật cần phục hồi thể trạng.

Bên cạnh yến sào thì những vị thuốc này còn mang lại hiệu quả trong việc tăng cường sức đề kháng, an thần, giúp ngủ ngon, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Đối với phụ nữ khi dùng món ăn này sẽ giúp đẹp da, giữ dáng, cân bằng nội tiết tố. Ở người già sẽ tăng cường sức khỏe xương khớp, nâng cao miễn dịch. Trẻ em khi dùng yến chưng tứ bảo sẽ giúp cải thiện trí nhớ, tăng sức đề kháng và chống lại một số bệnh lý thường gặp.

Yến chưng tứ bảo
Yến chưng tứ bảo là món ăn từ yến sào kết hợp các vị thuốc quý như hạt sen, long nhãn, bạch quả, táo đỏ

Món yến chưng tứ bảo được thực hiện thông qua các nước sau:

Chuẩn bị:

  • Yến tinh chế 5g
  • Táo đỏ: 5 – 8 quả
  • Hạt sen đã lấy tâm sen: 30g
  • Bạch quả 5g
  • Nhãn nhục 2 muỗng nhỏ
  • Đường phèn lượng vừa đủ

Cách chưng:

  • Yến tinh chế mang đi ngâm với nước đến khi nở đều thì thì tách sợi và vớt ra để ráo
  • Nhãn nhục mang rửa sạch và ngâm đến khi nở đều thì vớt ra
  • Táo đỏ, bạch quả rửa sạch rồi để ráo
  • Hạt sen đem ngâm với nước ấm trong 45 phút rồi đem đi đun đến khi chín mềm thì cho táo đỏ, bạch quả, nhãn nhục và đường phèn vào đun tiếp.
  • Đến khi các nguyên liệu chín đều, hòa quyện lại với nhau thì tắt bếp
  • Yến sào mang đi chưng cách thủy trong vòng 20 phút
  • Sau đó cho hỗn hợp táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, bạch quả vào và chưng thêm 5 phút nữa rồi tắt bếp.

Chưng yến sào cần lưu ý gì?

Để đảm bảo giá trị dinh dưỡng của các món yến chưng, bạn cần chế biến đúng cách cũng như dùng đúng thời điểm. Do đó, khi chưng yến sào bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thời điểm tốt nhất ăn yến chưng là lúc bụng rỗng. Theo đó, bạn nên ăn vào buổi tối trước khi ngủ khoảng 1 tiếng hoặc vào sáng sớm khi mới ngủ dậy.
  • Đối với người hệ tiêu hóa kém, dễ đầy hơi, chướng bụng không nên dùng yến chưng lạnh. Nên ăn nóng và thêm một vài lát gừng để giảm tình trạng khó tiêu cũng như hạn chế mùi tanh của yến.
  • Khi chưng yến, tránh để lượng nước trong thuốc chưng quá ít. Theo đó cần để lượng nước ngập hết phần yến. Bên cạnh đó, cần sử dụng thố/ chén to vì khi yến chín sẽ nở gấp nhiều lần.
  • Không nên cho đường phèn và các nguyên liệu vào chưng cùng với yến sào quá sớm vì có thể khiến yến bị sượng, quá chín, ảnh hưởng đến mùi vị và làm mất chất.
  • Nếu có điều kiện, bạn nên sử dụng nồi chưng yến chuyên dụng để dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ và thời gian phù hợp. Từ đó đảm bảo được độ chín, vị thơm ngon cũng như tránh thất thoát các dưỡng chất của món ăn.
  • Không dùng các món ăn từ yến sào cho phụ nữ mang thai dưới 3 tháng, trẻ em dưới 1 tuổi, người mắc các bệnh viêm nhiễm, tiêu chảy, phong hàn, phong nhiệt, chướng bụng, đầy hơi,…
  • Yến chưng nếu dùng không hết bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh cho lần dùng kế tiếp. Tuy nhiên, cần bỏ trong hộp và đậy kín nắp để tránh yến tan thành nước sau 2 ngày.

Bài viết đã tổng hợp các cách chưng yến thơm ngon, bổ dưỡng cũng như một số lưu ý trong quá trình thực hiện. Đối với những món yến chưng kết hợp với các nguyên liệu khác, bạn cần xem xét kỹ để lựa chọn nguyên liệu phù hợp, tránh tình trạng kích ứng, dị ứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm:
Ngày đăng 1:28 - 25/04/2023 - Cập nhật lúc:02:16 chiều

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *